Đổi mới giáo dục, công nghệ 4.0 ngày càng được áp dụng phổ biến trong nhà trường, các bậc học của tỉnh. Vậy nên, thay vì cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, các trường THCS và THPT đã ban hành những quy chế quản lý đảm bảo các em sẽ chỉ được sử dụng trên lớp, trong khu nội trú khi phục vụ cho việc học và có sự cho phép, quản lý, giám sát của thầy, cô giáo. Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các em khai thác, sử dụng các trang mạng xã hội như một công cụ phục vụ mục đích học tập cũng như thời gian sử dụng hiệu quả.
Là môi trường nội trú nên việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh luôn được Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tam Đường đưa ra bàn thảo để có những phương án hữu hiệu. Áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đồng nghĩa với việc tiếp nhận kiến thức của học sinh đảm bảo đa chiều. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, các em có thể tiếp cận với một “bầu trời” kiến thức tham khảo vô tận, thuận lợi trong từng môn học, tiết học. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công nghệ thông tin đã phục vụ đắc lực cho việc dạy học trực tuyến. Và, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, học sinh phải tự mình nhập liệu nội dung đăng ký thi.
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tam Đường hướng dẫn học sinh đăng nhập dữ liệu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Có rất nhiều tiện ích nhưng mạng xã hội cũng tiềm ẩn những hiểm họa khó lường. Xác định rõ điều đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành quy chế sử dụng điện thoại. Trong đó, yêu cầu tùy mục tiêu môn học, học sinh có hay không được sử dụng điện thoại trong quá trình thảo luận nhóm; quy định thời gian sử dụng ngoài giờ lên lớp.
Ngoài phương thức liên lạc thì sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học là rất cần thiết. Chính nhờ đó, nhiều học sinh đã vươn lên trong học tập, có thêm những kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống và định hướng tương lai sau này. Điển hình như em Lý A Lùng (học sinh lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tam Đường).
Đoàn Thanh niên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên sử dụng điện thoại cũng như mạng xã hội đúng cách.
Ngay khi vào lớp 10, vì ở nội trú, Lùng được bố mẹ mua cho điện thoại thông minh để tiện liên lạc. 3 năm học qua, chính nhờ chiếc điện thoại này không chỉ bổ trợ những kiến thức thầy cô chưa truyền đạt trên lớp mà còn giúp em tìm hiểu kỹ hơn về các trường chuyên nghiệp để dự thi sau tốt nghiệp, từ đó thỏa ước mơ làm giáo viên dạy toán của mình.
Công nghệ ngày càng hiện đại, điện thoại thông minh thực sự là một phương tiện “đắc lực” cho cả giáo viên và học sinh – điều đó không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ở lứa tuổi các em, tư duy, tính cách hình thành chưa đầy đủ, nếu buông lỏng quản lý rất dễ bị lôi kéo vào các hoạt động không lành mạnh, thậm chí phạm pháp hoặc mất tập trung dẫn đến giảm chất lượng học tập…
Trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng điện thoại di động của học sinh chính là để các em tiếp cận với công nghệ hiện đại, phục vụ cho việc học tập. Do đó, để phát huy những lợi ích của điện thoại rất cần các bậc phụ huynh, thầy cô cần quan tâm, xây dựng cho các em ý thức sử dụng điện thoại di động một cách hợp lý, hiệu quả.