Tên cơ quan: Điện Lực Thừa Thiên Huế Trụ sở làm việc: 102 Nguyễn Huệ – Thành phố Huế Điện thoại: (84-054) 211222 – 220220 Fax: (84-054) 220330
– Điện lực Thừa Thiên Huế là đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực 3 – Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thành lập ngày 28/12/1976 với tên ban đầu là Sở quản lý và phân phối điện Bình Trị Thiên thuộc Công ty Điện lực Miền Trung trên cơ sở quản lý và phân phối điện tại địa bàn tỉnh Bình Trị Thiên được sát nhập từ 3 tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị và Thừa Thiên sau ngày giải phóng.
– Từ năm 1989 do tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành 3 tỉnh: ngày 15/10/1989 Bộ Năng Lượng đã có Quyết định số 646 NL/TCCB-LĐ thành lập Sở Điện lực Thừa Thiên Huế và đến ngày 08/3/1996 được đổi tên là Điện lực Thừa Thiên Huế.
Trụ sở làm việc
Bộ máy tổ chức
Điện lực Thừa Thiên Huế có 11 phòng nghiệp vụ, kỹ thuật và 12 đơn vị trực tiếp sản xuất: Tính đến tháng 11 năm 2007 Điện lực có 714 CBCNV trong đó:
- Đại học: 158
- Cao đẳng: 08
- Trung cấp: 77
- Công nhân kỹ thuật: 446
- Lao động khác: 25
Ngành nghề kinh doanh
- Kinh doanh vật tư thiết bị điện, phụ kiện điện, đồ điện dân dụng
- Kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng
- Truyền thông và quảng cáo
- Kinh doanh các dịch vụ viễn thông công cộng và Internet
- Kinh doanh các thiết bị viễn thông
- Đại lý các dịch vụ viễn thông công cộng
- Giám sát thi công các công trình lưới điện đến 35KV
- Xây lắp các công trình lưới điện đến 35KV
- Khảo sát, thiết kế các công trình lưới điện đến 35KV
- Thiết kế lưới điện phân phối
- Sửa chữa, đại tu thiết bị điện
- Xây dựng, cải tạo lưới điện phân phối
- Sản xuất kinh doanh điện năng
Quá trình hình thành và phát triển
Với vai trò là một ngành mũi nhọn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; những năm qua Điện lực đã không ngừng phấn đấu, phát huy nội lực, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong phát triển kinh tế và phục vụ đời sống, sinh hoạt cho nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những ngày đầu giải phóng, Huế chỉ cung cấp được khoảng 11 triệu đến 30 triệu Kwh/năm (1976-1982) với phương thức “3 đêm tắt 1 đêm đỏ” đến nay đã đạt đến 642 triệu Kwh/năm (ước thực hiện năm 2007).
Để góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu trên, Điện lực Thừa Thiên Huế đặc biệt chú trọng đến công tác giảm tổn thất điện năng. Chỉ tiêu này không những chỉ mang tính kinh tế đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc phản ánh chất lượng công tác quản lý truyền tải và phân phối điện; nhiều năm nay đơn vị đã thành lập Tổ chỉ đạo chống tổn thất điện năng do đ/c Giám đốc trực tiếp làm Tổ trưởng, hàng tháng đều sinh hoạt để xây dựng chương trình hành động cho từng đơn vị liên quan tới việc phấn đấu thực hiện chỉ tiêu này nhằm từng bước khắc phục những tồn tại kỹ thuật của lưới điện, hợp lý hóa các khâu quản lý vừa để giảm phiền hà cho khách hàng vừa tăng cường công tác kiểm tra sử dụng điện. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Công ty Điện lực 3, sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương và bằng phấn đấu chủ quan của mình, Điện lực Thừa Thiên Huế đã thực hiện được một số công việc có tác dụng tích cực nhờ đó tổn thất điện năng hàng năm có xu hướng ngày càng giảm.
Qua một vài chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các năm sau có thể thấy rõ tốc độ tăng trưởng phụ tải và sự phấn đấu cật lực của toàn thể CBCNV Điện lực:
Năm
Tổng sản lượng (Kwh)
Tổn thất điện năng (%)
Điện năng thương phẩm(Kwh)
Giá bán điện bình quân(đ/kWh)
Doanh thu(Tỷ đồng)
1976
11.632.000
1980
23.069.478
16,83
18.388.475
1985
23.416.289
13,71
21.996.760
1990
50.436.484
24,08
38.611.976
1995
120.388.780
13,59
103.569.057
2000
246.646.711
8,29
242.592.530
663,27
160,880
2005
484.179.364
6,00
455.095.166
740,99
337,870
2006
555.174.416
5,97
522.013.395
757,18
395,260
2007
642.569.000
5,77
605.299.000
831,50
502,398
Trong công tác quản lý kỹ thuật, kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động, Điện lực Thừa Thiên Huế đã tổ chức học tập, quán triệt về Bộ Luật Lao động và những văn bản chủ yếu hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động cho toàn thể CBCNV trong đó chú ý đến Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động; các chế độ chính sách bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động Điện lực và các tiểu ban BHLĐ ở các đơn vị sản xuất, các màng lưới An toàn vệ sinh viên; phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa Ban Giám đốc và Ban thường vụ Công đoàn trong công tác đảm bảo AT-BHLĐ; lập và thực hiện kế hoạch AT-BHLĐ hàng năm cùng với kế hoạch SXKD nhờ đó từ năm 2000 đến nay không có tai nạn lao động chết người. Về công tác quản lý kỹ thuật, Kỹ thuật an toàn Điện lực đã trang cấp đầy đủ các Quy trình quy phạm KTAT đến tận các đơn vị sản xuất, vận hành; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng trang bị BHLĐ cá nhân, trang bị phòng hộ lao động tại các đơn vị để kịp thời mua sắm trang bị đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện lao động thực tế. Quản lý hoàn chỉnh các hồ sơ Quản lý kỹ thuật, KTAT và khai thác tốt trên máy vi tính. Đã lập phương án Phòng cháy chữa cháy được Công an PCCC thành phố phê duyệt và tổ chức tập huấn, kiểm tra thường xuyên. Hàng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn thể CBCNV nhằm phân loại sức khỏe và tổ chức điều trị, điều dưỡng cho những người có sức khỏe yếu.
Trong công tác kinh doanh, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày một tăng của khách hàng; Điện lực Thừa Thiên Huế đã thực hiện được một số mục tiêu sau:
– Thực hiện chương trình cải tạo lưới điện thành phố từ 2 nguồn vốn WB và ODA1, đây là công trình lớn thi công phức tạp gặp rất nhiều trở ngại do thiết kế, giải phóng mặt bằng, cấp đất nhưng đơn vị đã tập trung chỉ đạo, khắc phục mọi khó khăn nên đến nay đã hoàn thành.
– Chú trọng đến công tác kinh doanh điện năng để nâng cao hiệu quả, chống các hiện tượng tiêu cực cửa quyền trong công tác này. Nét nổi bật trong SXKD của Điện lực Thừa Thiên Huế ở giai đoạn này là sự cải tiến mối quan hệ giao dịch với khách hàng sử dụng điện theo chủ trương của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, phổ biến đến tận CBCNV Quy định về quan hệ giao tiếp với khách hàng sử dụng điện của Tổng Công ty, kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện quy định này. Phòng giao dịch với khách hàng tại các đơn vị trực thuộc được cải tiến khang trang, sạch sẽ, trang bị đầy đủ nên khách đến công tác đều có ấn tượng tốt về ngành điện; bố trí điện thoại nóng để theo dõi và giải quyết nhanh chóng các yêu cầ của khách hàng; kiện toàn công tác Kinh doanh từ khâu ghi chữ, thu ngân, theo dõi công nợ nên đảm bảo được định mức ghi, thu.
Bên cạnh đó đơn vị cũng đã đầu tư kịp thời đáp ứng cho các phụ tải công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Phú Bài, cảng Chân Mây, cửa khẩu Hồng Vân và đường hầm đèo Hải Vân; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan làm tốt công tác tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn và công tác xoá bán điện tại các công tơ tổng cho các khu tập thể và cụm dân cư nội thành, thị trấn, thị tứ. Đối với công tác hỗ trợ địa phương giảm giá bán điện đền hộ nông thôn, tính đến tháng 3/2003 trên địa bàn tỉnh không còn xã nào có giá điện cao hơn mức giá trần quy định của chính phủ là 700đ/Kwh.
Ngoài ra thực hiện chủ trương của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam về công tác cơ khí hoá điện nông thôn, đơn vị đã đầu tư phát triển các hệ thống điện về cho 13 xã thuộc các vùng sâu vùng xa, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Về mặt tiêu thụ điện, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, bình quân giai đoạn 2000-2006 là 15%.
Trong công tác kinh doanh viễn thông: xác định đây là một trong những lĩnh vực quan trọng của EVN khi tiến lên Tập đoàn Điện lực kinh doanh đa ngành, trong thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, lựa chọn vị trí đặt trạm thu phát sóng (BTS), tối ưu mạng truyền dẫn để từng bước nâng cao chất lượng phủ sóng trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Điện lực đã không ngừng kiện toàn tổ chức kinh doanh viễn thông, xây dựng hệ thống đại lý, phát triển lực lượng công tác viên và các hệ thống cửa hàng để mở rộng cung cấp dịch vụ. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chăm sóc khách hàng theo quy định của EVN Telecom. Kết quả đến nay đơn vị đã có hơn 22.000 khách hàng với tổng doanh thu là trên 12 tỷ đồng. Kết quả thu cước đạt 92% đứng đầu toàn Công ty.
Những thành tựu đạt được
– Huân chương lao động hạng Ba năm 1995.
– 03 Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
– 02 Bằng khen của Bộ Công an.
– 15 Bằng khen của Bộ Công nghiệp.
– 02 Bằng khen của Bộ Tài chính.
– 73 Bằng khen của UBND tỉnh.
– 56 Bằng khen của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam.
– 03 Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Điện lực Việt Nam.
– Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh.
– 03 Chiến sĩ thi đua Bộ Công nghiệp.
Ngoài các mặt thi đua lao động sản xuất, Điện lực Thừa Thiên Huế còn đạt được các thành tích khác như: Đảng bộ 10 năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc nhiều năm liền; Đoàn thanh niên vững mạnh; Đại đội Tự vệ tiên tiến.
Phương châm làm việc
– Phục vụ khách hàng với tinh thần tận tình, nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất trên cơ sở lợi ích của khách hàng là uy tín và sự tồn tại của đơn vị. Nâng cao năng suất lao động, ổn định việc làm và nâng cao đời sống vật chất cho người lao động.
– Tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị trong SXKD.
Định hướng sản xuất
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện của xã hội ngày càng tăng cao, thời gian tới Điện lực sẽ tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu trọng tâm sau: ưu tiên phát triển nguồn, lưới điện truyền tải và các TBA từ 110KV – 500 KV trên địa bàn tỉnh; đầu tư để phát triển thêm hơn 100 TBA phân phối có cấp điện áp từ 10-35/0,4 KV; xây dựng mới hơn 110 Km đường dây trung áp 22KV và 35 KV; 170 Km đường dây hạ áp. Đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và chất lượng; Xây dựng lực lượng lao động và bố trí hợp lý để đáp ứng khối lượng công việc ngày càng tăng. Xây dựng mỗi huyện một Chi nhánh điện để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý vận hành và nắm bắt kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày một tốt hơn. Ngoài ra còn đẩy mạnh công tác phát triển dịch vụ viễn thông.